Thông tin từ B ệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện đã nuôi thành công trường hợp bé sinh non chào đời ở tuần thai 27 với cân nặng 1kg.
Đó là bé Quang Huy, con của chị Phạm Thị Thái và anh Lê Văn Phú, quê tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Anh Lê Văn Phú là chiến sĩ hải quân đã công tác 16 năm tại quần đảo Trường Sa.
Bé Quang Huy được chăm sóc và điều trị tại Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. (Ảnh: Thu Linh)
Bé Quang Huy là kết quả chờ đợi 10 năm hiếm muộn của gia đình chị Phạm Thị Thái và anh Lê Văn Phú. Những tưởng sau từng ấy năm hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình, nhưng không được may mắn như các bà mẹ khác mang thai con đủ tháng, chị Phạm Thị Thái sinh bé Quang Huy vào ngày 2/7/2019 khi đang ở tuần thai thứ 27.
Đây không chỉ là thử thách đối với gia đình mà còn là chặng đường đầy kiên trì của đội ngũ bác sĩ khoa Sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vì thuộc trường hợp sinh quá non, bé Quang Huy cần phải nhờ tới sự trợ giúp của máy thở và thở oxy. Bệnh viện sử dụng các ống dẫn, dây điện và máy móc hiện đại để hỗ trợ việc thở của bé, việc cho bé uống sữa cũng đòi hỏi cẩn thận, tỉ mỉ và kiên trì.
Sau hơn hai tháng theo dõi và điều trị, vừa qua bé Huy được xuất viện với cân nặng 2,2 kg trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ.
Được biết, Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã nuôi thành công các trường hợp bé sinh non 600g, 750g, 800g… nên các cán bộ nhân viên đã dày dặn kinh nghiệm trong việc chăm sóc và điều trị trẻ sinh cực non tháng.
Tuy nhiên, đây là trường hợp nuôi thành công em bé sinh non vô cùng ý nghĩa bởi anh Lê Văn Phú là một chiến sĩ hải quân tại quần đảo Trường Sa. Anh Phú vui mừng chia sẻ: “Vì bé là kết quả 10 năm hiếm muộn của hai vợ chồng tôi nên từ những ngày đầu, chúng tôi đã muốn theo dõi thai kỳ tại một bệnh viện chuyên khoa sản phụ khoa uy tín. Thật may mắn cho gia đình, vì tuy bé sinh non nhưng đã được các y bác sĩ điều dưỡng chăm sóc và điều trị thành công. Hiện nay, sức khỏe của bé đã ổn định và được ra viện”.
Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, việc chăm sóc các bé sinh non và cực non là chuyện không hề đơn giản. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo sản phụ nên khám và theo dõi thai định kỳ tại các cơ sở y tế có chuyên môn về sản phụ khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ có nguy cơ sinh non.
Nguyễn Minh
Theo laodongthudo
Chăm sóc trẻ sinh non và một loạt những điều cha mẹ cần chú ý đến
Dù mẹ đã cố gắng cẩn thận trong suốt thai kỳ nhưng đôi lúc vẫn khó tránh rơi vào tình trạng sinh non không mong muốn. Tuy vậy, chỉ cần đảm bảo công tác chăm sóc đúng cách thì trẻ vẫn có thể phát triển bình thường, khỏe mạnh.
Chú ý trong quá trình cho bé bú
Trẻ sơ sinh nếu sinh non thể chất rất yếu so với những trẻ sinh đủ tháng. Lúc này, sữa mẹ càng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và an toàn nhất cho bé. Khi được cung cấp đầy đủ lượng sữa mẹ cần thiết, dù là sinh non nhưng bé vẫn được nâng cao khả năng miễn dịch. Điều này có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển cơ thể của trẻ, đặc biệt là não bộ.
Ảnh minh họa
Ban đầu, có thể do nguyên nhân trẻ không đủ dinh dưỡng, cân nặng nên khả năng bú mẹ cũng chưa thuận lợi, lượng sữa bé bú ít và thời gian bú cũng không dài. Nếu phát hiện bé gặp khó khăn khi bú sữa, mẹ có thể hỗ trợ thêm bằng cách dùng ống hút để “nhỏ giọt” mớm sữa cho bé.
Nếu mẹ cho bé uống thêm sữa ngoài thì nên lựa chọn nhãn hiệu sữa uy tín và phù hợp với thể chất yếu ớt của trẻ. Một số loại sữa có thể gây táo bón ở trẻ sơ sinh, đặc biệt khi trẻ bị sinh thiếu tháng thì hệ tiêu hóa và các cơ quan khác đều hoàn thiện chậm hơn hẳn, dễ bị ảnh hưởng từ các nguồn thực phẩm khác ngoài sữa mẹ.
Bảo đảm nhiệt độ cơ thể em bé sinh non rất quan trọng
Ảnh minh họa
Đối với trẻ sinh non, mẹ nên đảm bảo nhiệt độ trong phòng trong khoảng 24 độ C – 26 độ C và độ ẩm khoảng 55% – 65% là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, mặc dù em bé sinh thiếu tháng có thể chất yếu hơn nhiều so với bé sinh đủ tháng nhưng môi trường xung quanh cũng cần đủ ánh nắng mặt trời chứ không phải lúc nào cũng đóng kín cửa.
Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý không đặt bé ở vị trí đón gió trực tiếp vì rất có hại cho cơ thể non yếu của trẻ, dễ xảy ra những vấn đề sức khỏe đáng ngại. Khi tắm cho trẻ, ngoài thao tác nhẹ nhàng, đúng cách thì nhiệt độ trong phòng và cả nhiệt độ nước tắm đều phải kiểm soát chặt chẽ, tránh cho trẻ bị nhiễm lạnh hoặc tổn thương da do nước quá nóng.
Giấc ngủ của trẻ sinh non đòi hỏi phải được quan tâm nhiều hơn
Ảnh minh họa
Thời gian của trẻ sơ sinh đa phần đều là ngủ, thậm chí có thể kéo dài từ 18 đến 20 giờ mỗi ngày. Trong suốt quá trình này, trẻ có thể vì các tác động bên ngoài mà bị tỉnh giấc. Trong khi đó, trẻ sinh non có thể chất yếu hơn nhiều so với trẻ đủ tháng, vì vậy mà càng dễ bị ảnh hưởng giấc ngủ hơn.
Chính vì vậy, môi trường ngủ của trẻ càng phải được đảm bảo yên tĩnh, sạch sẽ và có nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Mẹ cũng nên chú ý cho trẻ bú sữa đầy đủ để tránh hiện tượng trẻ giật mình liên tục do bị đói, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ. Người bố hay những thành viên khác tuyệt đối không hút thuốc trong phòng trẻ, nếu cai luôn thì càng tốt.
Nguồn: Sohu