Hiện nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, nguy cơ Covid-19 bùng phát trở lại có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan, không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống.
Người bệnh và thân nhân ra vào Bệnh viện Thống Nhất được kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đã xuất hiện tâm lý chủ quan
Gần 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, tuy nhiên nguy cơ dịch vẫn thường trực, vẫn có thể ghi nhận ca mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Y tế khuyến cáo, mỗi người dân cần dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp.
Người dân nên thực hiện tốt “5K” (đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, đông người và đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn và giữ vệ sinh để nhà cửa thông thoáng; giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác; không tụ tập đông người; thực hiện khai báo y tế). Đây là “lá chắn thép” để bảo vệ mỗi người và cả cộng đồng trước Covid-19.
Khuyến cáo của ngành y tế là vậy, nhưng ghi nhận của PV tại nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM, việc thực hiện “5K” chưa đầy đủ. Tại các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại trên địa bàn quận 1, 3 dù có thông báo khách ra vào phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định sát khuẩn, đeo khẩu trang bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài nhưng ít người thực hiện, thậm chí không bị bảo vệ, nhân viên nhắc nhở.
Tại nhiều chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn TPHCM như chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Bàn Cờ (quận 3), cả người mua và người bán hàng không thực hiện giữ khoảng cách theo quy định. Nhiều nơi công cộng như công viên, phố đi bộ tại khu vực quận 5, đường Trường Sa (quận 3) nhiều người dân tập thể dục vào buổi sáng, chiều nhưng không đeo khẩu trang…
Bệnh viện phải an toàn
Được xem là có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, tuy nhiên các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM lại thực hiện rất tốt, nghiêm túc các hoạt động phòng chống dịch, tạo cảm giác an toàn cho người bệnh khi đến khám và điều trị. Theo ghi nhận của PV, tại các bệnh viện (BV), công tác kiểm tra, sàng lọc Covid-19 được triển khai nghiêm túc, triệt để.
Theo PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, từ khi có ca mắc đầu tiên tại TPHCM, BV đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân đến khám, nhất là các khoa bệnh nhân có bệnh lý nền như khoa tim mạch, thận nhân tạo. Đến nay, sau 2 đợt dịch, BV vẫn luôn đề cao công tác phòng chống dịch và giám sát ngay từ cổng đến các khoa, phòng.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết ngành y tế thành phố đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả trong công tác phòng chống Covid-19, nhờ đó đã kiểm soát được tình hình tại các ổ dịch. Đến nay, tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn đều đã được điều trị khỏi, nhưng công tác phòng chống Covid-19 vẫn được các BV đặt lên hàng đầu và duy trì ở mức cao nhất.
“Sở đã kiểm tra, đ.ánh giá 40 BV trên địa bàn, có 12 BV không an toàn. Nhưng sau 1 tuần, 7/12 BV này đã cải thiện an toàn, 2/12 an toàn ở mức thấp. Sở Y tế TPHCM là đơn vị đã tiến hành kiểm tra nhiều BV nhất nước trong đợt dịch Covid-19″, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay.
Ngày 2-10, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 21 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trong đó nhấn mạnh, người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám chữa bệnh.
QUỐC KHÁNH
Trợ giúp người nhiễm HIV phòng dịch Covid-19
Để người nhiễm HIV/AIDS yên tâm điều trị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đã hỗ trợ các loại vật tư, nhu yếu phẩm phòng, chống Covid-19.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đã cấp phát 750 khẩu trang y tế; 30 chai dung dịch sát khuẩn loại 100ml; 46 chai đung dịch sát khuẩn loại 500ml; 1.100 cái khẩu trang vải kháng khuẩn; 371 thùng mì tôm và 371 chai dầu ăn cho các bệnh nhân nhiễm HIV.
Cán bộ CDC cũng thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch Covid-19 trực tiếp hoặc qua điện thoại cho bệnh nhân HIV.
Bệnh nhân được được cấp vật tư, nhu yếu phẩm phòng chống Covid-19…
Bác sỹ Phùng Bình Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Đối với những người nhiễm HIV/AIDS, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị tổn thương, do vậy chúng tôi đã hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ điều trị uống thuốc ARV theo đúng hướng dẫn của bác sỹ. Đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tránh những nơi đông người, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, duy trì lối sống lành mạnh.
…và được bác sỹ tư vấn cách phòng, chống Covid-19
Nếu có các triệu chứng ho, sốt, khó thở thì thực hiện khai báo y tế và đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn điều trị.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Tĩnh phát hiện mới 36 trường hợp nhiễm HIV. Hiện nay, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đang điều trị, cấp phát thuốc cho 427 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên toàn tỉnh.